Công bố trên tạp chí khoa học Personality and Individual Differences , nghiên cứu tâm lý học mới khuyên phụ nữ hãy… thử giả vờ cực khoái.
Điều này trái với lời khuyên phổ biến trong lĩnh vực tình dục học, rằng sự giả vờ đạt cao trào sẽ giết chết mối quan hệ của bạn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Michael Barnett từ Đại học Texas (Mỹ) lại tìm thấy mối liên hệ khó tin giữa cực khoái giả và thật.
Hành vi tưởng chừng như bất lợi trong " chuyện ấy " lại giúp nhiều phụ nữ thoát khỏi rắc rối
Gần 1.000 nữ tình nguyện viên từ 18-29 tuổi đã tham giả khảo sát về đời sống tình dục. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cực khoái giả cũng có 2 dạng, tích cực và tiêu cực.
25% tình nguyện viên cho biết họ luôn đạt được cao trào trong một cuộc quan hệ truyền thống, đúng nghĩa, 30% lại không bao giờ tìm được cảm giác cực khoái.
Nhưng ở những người không bao giờ hoặc có nhưng không phải luôn luôn đạt được cao trào, cơn cực khoái giả chia làm 2 dạng tích cực và tiêu cực.
Ở dạng tích cực, cực khoái giả còn là một cách để họ biểu thị sự hài lòng trong chuyện ấy và gắn bó với bạn tình; ở dạng tiêu cực, dường như đó là cách để họ chấm dứt nhanh cuộc ân ái.
Tin mừng là dạng tích cực chiếm hầu hết các trường hợp giả cực khoái. Sau khi thực hiện động tác giả này, một phản ứng có lợi lại xảy ra: phụ nữ cảm thấy hài lòng, dễ chịu hơn về bản thân, về "chuyện ấy", từ đó họ được kích thích tình dục nhiều hơn và tăng cơ hội đạt được cực khoái thật sự, bởi khả năng thăng hoa trong "chuyện ấy" của nữ giới phụ thuộc vào tâm lý rất nhiều.
Nói cách khác, hành vi giả dường như là cách dễ dàng để cộng hưởng với động lực tâm lý tự nhiên từ "chuyện ấy", đưa người phụ nữ vượt ngưỡng và đến với sự thăng hoa thực sự.
Nghiên cứu gợi ý các nhà trị liệu tình dục nên xem xét lại ý nghĩa của các hành vi giả vờ này để có phương án hữu hiệu hơn trong việc điều trị những rắc rối chăn gối ở phụ nữ, tuy không dễ nhận thấy như chứng rối loạn cương dương, xuất tinh sớm hay lãnh cảm ở nam giới nhưng không kém phần phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân.